Thư viện tra cứu id trong tài liệu

Hướng dẫn xem lời giải theo mã id trong tài liệu

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

Đề chọn ĐTQG tỉnh Quảng Ninh năm 2020-2021-Ngày 1

Bài 1. Cho các số thực $a, b, c \in[1; 2]$, chứng minh rằng $9 \leq(a+b+c)\left(\dfrac{1}{a}+\dfrac{1}{b}+\dfrac{1}{c}\right) \leq 10$.

Lời giải

  • Áp dụng bất đẳng thức AM - GM, ta có $a+b+c \geq 3 \sqrt[3]{a b c}$ và $ \dfrac{1}{a}+\dfrac{1}{b}+\dfrac{1}{c} \geq 3 \sqrt[3]{\dfrac{1}{a b c}}$.
    Suy ra $(a+b+c)\left(\dfrac{1}{a}+\dfrac{1}{b}+\dfrac{1}{c}\right) \geq 9$.
    Đẳng thức xảy ra khi và chỉ khi $a=b=c \in[1; 2]$.
  • Ta có $(a+b+c)\left(\dfrac{1}{a}+\dfrac{1}{b}+\dfrac{1}{c}\right) \leq 10 \Leftrightarrow(b+c)\left(\dfrac{a}{b c}+\dfrac{1}{a}\right)+\dfrac{b}{c}+\dfrac{c}{b} \leq 7$. (*)
    Ta chứng minh $\dfrac{a}{b c}+\dfrac{1}{a} \leq \dfrac{1}{b}+\dfrac{1}{c} \Leftrightarrow(a-c)(a-b) \leq 0$.
    Muốn vậy không mất tính tổng quát ta giả sử $a$ là số nằm giữa hai số $b$ và $c$.
    Mặt khác, $\dfrac{b}{c}+\dfrac{c}{b} \leq \dfrac{5}{2} \Leftrightarrow \dfrac{1}{2} \leq \dfrac{b}{c} \leq 2$ luôn đúng.
    Suy ra \begin{eqnarray*} VT(*) &\leq&(b+c)\left(\dfrac{1}{b}+\dfrac{1}{c}\right)+\dfrac{b}{c}+\dfrac{c}{b}\\ &=&2+2\left(\dfrac{b}{c}+\dfrac{c}{b}\right) \leq 2+2 \cdot \dfrac{5}{2}=7 \end{eqnarray*} Đẳng thức xảy ra khi và chỉ khi $a=b=2, c=1$ hoặc $a=c=1, b=2$ và các hoán vị.

Bài 2. Với mỗi số nguyên dương $n,$ xét đa thức $P_n(x)=x^n+(x-1)^n-(x+1)^n$.

  1. Chứng minh rằng với mỗi $n$ nguyên dương, đa thức $P_n(x)$ có duy nhất một nghiệm dương, ký hiệu là $r_n,$ và $r_n < r_{n+1}, \forall n \in \mathbb{N}^{*}$.
  2. Tính $\lim \dfrac{r_n}{n}$.

Lời giải

  1. Ta sẽ chứng minh bằng quy nạp. Thử trực tiếp, thấy đúng với $n=1; 2$.
    Giả sử mệnh đề đúng $\forall n \leq k, k \in \mathbb{N}^{*}$.
    Xét $P_{k+1}(x)=x^{k+1}+(x-1)^{k+1}-(x+1)^{k+1}$ xác định và liên tục trên $[0;+\infty)$.
    Dễ thấy $P_{k+1}'(x)=(k+1) \cdot P_{k}(x)=0 \Leftrightarrow x=r_{k} > 0$, $\left[\begin{array}{l}P_{k+1}(0)=0 \\ P_{k+1}(0)=-2\end{array}\right.$ và $\lim\limits_{x \to+\infty} P_{k+1}(x)=+\infty$.
    Dựa vào $\mathrm{BBT},$ trên $(0;+\infty)$ tồn tại duy nhất $r_{k+1} > r_{k}: P_{k+1}\left(r_{k+1}\right)=0.$
    $\Rightarrow P_{k+1}(x)$ có duy nhất một nghiệm dương $r_{k+1}$ và $r_{k+1} > r_{k}$.
  2. Xét hàm số $f(x)=1+e^{-x}-e^x$ nghịch biến trên $\mathbb{R}$.
    Ta có $f(x)=0 \Leftrightarrow x=\ln \dfrac{1+\sqrt{5}}{2}=x_0 > 0$.
    Với mọi $s > 0$ ta có \begin{eqnarray*} \lim \dfrac{P_n\left(\dfrac{n}{s}\right)}{\left(\dfrac{n}{s}\right)^n}&=&\lim \dfrac{\left(\dfrac{n}{s}\right)^n+\left(\dfrac{n}{s}-1\right)^n-\left(\dfrac{n}{s}+1\right)^n}{\left(\dfrac{n}{s}\right)^n}\\ &=&\lim \left[1+\left(1-\dfrac{s}{n}\right)^n-\left(1+\dfrac{s}{n}\right)^n\right]\\ &=&1+e^{-s}-e^{s}=f(s). \end{eqnarray*} Với mọi $0 < \epsilon < \dfrac{1}{x_0}$ nhỏ tùy ý.
    Chọn $s=\dfrac{x_0}{1-\epsilon x_0} > x_0$ thì $f(s) < f\left(x_0\right)=0 \Rightarrow \lim \dfrac{P_n\left(\dfrac{n}{s}\right)}{\left(\dfrac{n}{s}\right)^n} < 0$ nên tồn tại $n_1 \in \mathbb{N}^{*}$ sao cho $\forall n > n_1$ ta có $P_n\left(\dfrac{n}{s}\right) < 0 \Rightarrow \dfrac{n}{s} < r_n, \forall n > n_1$.
    Suy ra $\dfrac{r_n}{n} > \dfrac{1}{s}=\dfrac{1}{x_0}-\epsilon, \forall n > n_1$.
    Chọn $s=\dfrac{x_0}{1+\epsilon x_0} < x_0 \Rightarrow f(s) > f\left(x_0\right)=0 \Rightarrow \lim \dfrac{P_n\left(\dfrac{n}{s}\right)}{\left(\dfrac{n}{s}\right)^n} > 0$ nên tồn tại $n_2 \in \mathbb{N}^{*}$ sao cho $\forall n > n_2$ ta có $P_n\left(\dfrac{n}{s}\right) > 0 \Rightarrow \dfrac{n}{s} > r_n, \forall n > n_2$.
    Suy ra $\dfrac{r_n}{n} < \dfrac{1}{s}=\dfrac{1}{x_0}+\epsilon, \forall n > n_2$.
    Từ trên suy ra $\forall n > \max \left\{n_1; n_2\right\}$ ta có $\left|\dfrac{r_n}{n}-\dfrac{1}{x_0}\right| < \epsilon,$ vói $\epsilon > 0$ nhỏ tùy ý.
    Như vậy $\lim \dfrac{r_n}{n}=\dfrac{1}{x_0}=\dfrac{1}{\ln \dfrac{1+\sqrt{5}}{2}}$.

Bài 3. Cho tam giác $ABC$ nội tiếp đường tròn $(C)$ có $AB > BC$. Các điểm $M, N$ lần lượt nằm trên các cạnh $AB, BC$ sao cho $AM=CN$. Gọi $K$ là giao điểm của các đường thẳng $MN$ và $A C, P$ và $Q$ lần lượt là tâm đường tròn nội tiếp tam giác $AMK$ và tâm đường tròn bàng tiếp góc $K$ của tam giác $CNK$. Gọi $S$ là điểm chính giữa cung $ABC$ của $(C)$. Chứng minh rằng $SP=SQ$.

Lời giải

$\Delta SAM=\Delta SCN\,(\mathrm{c.g.c}) \Rightarrow \widehat{SMB}=\widehat{SNB} \Rightarrow SBNM$ nội tiếp.
$\widehat{SMK}=\widehat{SBC}=\widehat{SAK} \Rightarrow SMAK$ nội tiếp $\left(C_{1}\right)$.
$\widehat{SCN}=\widehat{SAM}=\widehat{SKN} \Rightarrow SNCK$ nội tiếp $\left(C_{2}\right)$ và $R_{\left(C_{1}\right)}=R_{\left(C_{2}\right)}$.
Gọi $U$ là điểm chính giữa cung $A M$ của $\left(C_1\right), V$ là điểm chính giữa cung $CN$ của $\left(C_2\right),$ do $R_{\left(C_1\right)}=R_{\left(C_2\right)}$ và $AM=CN \Rightarrow UA=VC, SU=SV$ đồng thời $U, V, P, Q$ cùng nằm trên đường phân giác trong của $\widehat{NKC}$.
Mặt khác, $UA=UP, VC=VQ$.
Suy ra $\triangle SUP=\triangle SVQ$ (c.g.c), do đó $SP=SQ$.

Bài 4.

  1. Cho các số nguyên dương $a, k$ với $a \geq 2$. Chứng minh rằng $k \mid \varphi\left(a^{k}-1\right)$, trong đó $\varphi$ là phi hàm Euler.
  2. Cho số nguyên $m \geq 2$ và $p$ là một số nguyên tố không là ước của $m$ nhưng $p$ là ước của $\varphi(m)$. Chứng minh rằng tồn tại số nguyên tố $q$ sao cho $q \equiv 1 \pmod p$.
  3. Cho $p$ là một số nguyên tố. Chứng minh rằng có vô hạn số nguyên tố dạng $p k+1$.

Lời giải

  1. Đặt $m=a^{k}-1$ thì $a^{k} \equiv 1\pmod m.$ Gọi $h=\operatorname{ord}_m(a)$ thì $h \mid k$ và $h \mid \varphi(m)$.
    Do $h \mid k$ nên $h \leq k$.
    Mặt khác, $a^{h} \equiv 1\pmod m$ nên $a^{h} \geq 1+m=a^{k},$ suy ra $h \geq k.$
    Từ đó ta có $h=k$ suy ra $k \mid \varphi(m)=\varphi\left(a^{k}-1\right)$.
  2. Giả sử $m$ có phân tích tiêu chuẩn $m=\displaystyle\prod_{i=1}^{t} p_{i}^{k_{i}}$ thì $\displaystyle\varphi(m)=\prod_{i=1}^{t} p_{i}^{k_{i}-1}\left(p_{i}-1\right)$.
    Do $p$ là ước của $\varphi(m)$ nhưng không là ước của $m$ nên $\displaystyle p \mid \prod_{i=1}^{t}\left(p_{i}-1\right)$.
    Từ đây suy ra tồn tại $i \in\{1; 2; \ldots; t\}$ sao cho $p \mid p_{i}-1$ hay $p_{i} \equiv 1\pmod p$.
  3. Giả sử có hữu hạn số nguyên tố dạng $p n+1$ là $q_1, q_2, \ldots, q_{k}$.
    Đặt $a=p q_1 q_2 \cdots q_{k}, m=a^{p}-1$.
    Theo a), $p \mid \varphi\left(a^{p}-1\right)$ hay $p \mid \varphi(m).$
    Do $p$ là ước của $\varphi(m)$ nhưng không là ước của $m$ nên theo b) tồn tại số nguyên tố $q_{k+1}$ sao cho $q_{k+1} \equiv 1\pmod p,$ trong đó $q_{k+1}$ là một ước nguyên tố của $m=a^{p}-1$.
    Rõ ràng $q_{k+1} \neq q_{i}, \forall i \leq k,$ vì nếu trái lại thì $q_{k+1} \mid a$ hay $q_{k+1} \mid 1,$ vô lý.
    Vậy giả sử là sai, tức là có vô số số nguyên tố có dạng $pn+1$.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét